Rơi tự do từ 1.000 m
Năm người một, nai nịt gọn gàng, lưng đeo dù bước ra cửa máy bay trực thăng đã mở rộng hết cỡ, trong tiếng động cơ nổ ầm ầm, cánh quạt bay vù vù. Huấn luyện viên xem đồng hồ, nói những câu động viên và phát lệnh: nhảy.
Người đầu tiên lao ra ra khỏi máy bay, những người tiếp theo lần lượt nhảy vào không trung. Đột nhiên cả vùng trời mênh mang hiện ra trước mắt, xung quanh yên tĩnh gần như tuyệt đối…
Từ độ cao gần 1.000m, đội viên ôm dù lao ra khỏi máy bay
Lính đặc nhiệm nhảy dù
Đại tá phi công Trần Văn Lâm, Phó sư đoàn trưởng quân huấn Sư đoàn Không quân 370 cho biết, ngoài việc tổ chức cho phi công của chính sư đoàn nhảy dù hằng năm, đơn vị còn tổ chức huấn luyện nhảy dù cho các lực lượng đặc nhiệm của Tổng cục 2, Quân khu 9, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Quân chủng Hải quân...
Đối với phi công dưới 35 tuổi phải nhảy dù mỗi năm một lần, học viên phi công phải nhảy hai lần, phi công trên 35 tuổi thì không bắt buộc. Còn lực lượng đặc nhiệm thì phải tham gia khóa huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao, chung một giáo trình với học viên dân sự học tại Câu lạc bộ hàng không phía Nam.
Tất cả họ phải vượt qua trên 100 giờ huấn luyện lý thuyết và huấn luyện mặt đất. Trước tiên, các thành phần học cần nắm được lý thuyết cơ bản về nhảy dù, tính năng kỹ thuật các loại dù mình sẽ sử dụng…
Giai đoạn huấn luyện mặt đất, họ sẽ được huấn luyện thành thạo các động tác: Rời cửa máy bay, lái dù và xử lý các tình huống bất trắc trên không, động tác tiếp đất; ngoài ra còn các tình huống bất trắc khi nhảy dù xuống nước, vào rừng cây, khu dân cư, vào đồi núi…
Một giai đoạn rất quan trọng nữa là học gấp dù. Nó rèn cho học viên tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên nhẫn và điều quan trọng hơn đó là tinh thần đồng đội, sự tự chịu trách nhiệm với chiếc dù mình đã gấp...
Sau 100 giờ học, các học viên được kiểm tra lý thuyết, thực hành đạt loại khá giỏi thì đủ điều kiện nhảy dù. Dĩ nhiên tiêu chuẩn đầu tiên là tình trạng sức khỏe phải được Hội đồng y học hàng không gồm quân y sư đoàn, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thông qua, nhất là về xương khớp, tiền đình...
Cần kiểm tra tiền đình vì môi trường trên không khác dưới mặt đất, thời gian hạn chế… nên tiền đình phải tốt để duy trì được sự tỉnh táo, tránh hoa mắt, chóng mặt… Khi tiếp đất, lực va chạm mạnh nên ngoài việc luyện tập nhuần nhuyễn kỹ thuật tiếp đất cũng cần có xương khớp khỏe mạnh để tránh bong gân, trật khớp, thậm chí gãy xương.
Đội nhảy dù được “trực thăng vận” ra bãi thả, một vài người có đôi chút căng thẳng
Đại úy Ngô Việt Hồng, Chủ nhiệm dù Sư đoàn Không quân 370 khẳng định, không phân biệt quân đội hay dân sự, chỉ người nào đạt mới được thả. Có khác chăng là với lực lượng đặc nhiệm nhảy với quân trang, vũ khí. Mỗi người lính đặc nhiệm mang súng, đạn, các loại quân trang khác, tổng cộng khoảng 30kg.
Với vận động viên nhảy dù dân sự đôi khi chỉ cần hít thở không gian mênh mông của đất trời cùng cảm giác rơi tự do giữa không trung mà không cần quan tâm dù sẽ đưa ta tới đâu. Người lính đặc nhiệm nhảy dù là để chiến đấu nên dù động tác rời máy bay, lái dù trên không giống bên dân sự nhưng việc điều khiển dù, tiếp đất phải khác, để có thể rơi trúng mục tiêu, co cụm thành đội ngũ, sẵn sàng hành động.
Ngoài ra họ cũng được học nhảy nhiều hơn. Mỗi năm họ nhảy hai đợt, mỗi đợt kéo dài 5 ngày, mỗi người nhảy 8 lần mỗi chuyến. Họ tập nhảy cả trong các khu vực có rừng, sông, nhà cao tầng…
Người lính đặc nhiệm không chỉ nhảy dù, họ còn được đào tạo cách đổ bộ đường không từ trực thăng, đu dây xuống mái nhà để tấn công, tiêu diệt khủng bố.
Đến nhảy dù hàng không
Thành lập từ 2004, chính thức ra mắt, hoạt động tháng 6/2006 thuộc Phòng quân huấn Sư đoàn không quân 370, đến nay Câu lạc bộ hàng không phía Nam đã huấn luyện nhảy dù cho hàng trăm hội viên đủ mọi lứa tuổi, thành phần.
Trung tá Đặng Ngọc Ngự, Chủ nhiệm cho biết, câu lạc bộ có năm hoạt động, gồm nhảy dù, mô hình hàng không có điều khiển, khinh khí cầu, tàu lượn và máy bay siêu nhẹ. Riêng hoạt động dù ngoài nhảy dù còn có dù bay, dù lượn, dù kéo. Nhìn chung đến thời điểm hiện tại, nhảy dù vẫn là hoạt động nổi bật nhất, làm nên hình ảnh câu lạc bộ với công chúng bên ngoài quân đội.
Mỗi năm câu lạc bộ tổ chức đào tạo hai khóa nhảy dù vào tháng 4 và tháng 11, mỗi khóa dưới 40 người, trong đó một phần ba là nữ. Nhiều chi phí được quân đội bao cấp như huấn luyện viên, dù, trực thăng, phi hành đoàn, xăng dầu…nên học viên chỉ phải đóng phí một khóa học nhảy dù cơ bản là 5 triệu đồng, trong đó bao gồm học lý thuyết, thực hành mặt đất và nhảy dù hai lần/chuyến, câu lạc bộ cho học viên mượn giày, quần áo, mũ nhảy.
Đại úy Ngô Việt Hồng, Chủ nhiệm dù Sư đoàn không quân 370 chia sẻ, tất cả các loại dù đang sử dụng hiện nay đều có hệ thống an toàn. Người mới sẽ nhảy ở độ cao khoảng 500m, nhảy loại dù đổ bộ Đ6 là loại dù tròn, mở ngay khi nhảy ra khỏi máy bay.
Có kinh nghiệm hơn, tích lũy được nhiều giờ hơn sẽ được nhảy loại dù thể thao PTL72 lái nhạy hơn, tiến nhanh hơn, rồi nhảy rơi tự do với loại dù T4. Sau khi nhảy trên 100 chuyến T4 thì nhảy loại dù thể thao UT15. Sau khi nhảy được 100 chuyến UT15 thì có thể chuyển qua nhảy loại dù vuông PO16…
Mỗi loại dù đều có nhiều bài nhảy với mức độ khó cao thấp khác nhau. Ở Sư đoàn không quân 370, đại úy Ngô Việt Hồng là chủ nhiệm dù có số lần nhảy kỷ lục: khoảng 500 lần.
Ngoài loại dù mở ngay, các loại dù khác đều có cơ chế mở dù tự động. Nếu dù chính trục trặc đã có dù phụ và ngược lại. Các thế hệ dù hiện nay đều gắn máy giật dù có hai chế độ đảm bảo an toàn, một theo độ cao, một theo thời gian.
Chẳng hạn khi rơi, vì lý do gì đó, như sợ quá hoặc quên chẳng hạn mà vận động viên không giật, máy sẽ đo độ cao để giật dù bung ra, hoặc căn theo thời gian rơi rồi tự động giật bung dù, đảm bảo an toàn cho người nhảy.
Mỗi học viên đủ điều kiện nhảy được hai lần cảm giác rơi tự do từ độ cao 800 - 1.200m từ trực thăng Mi 171 hoặc Mi 8. Địa điểm nhảy dù thường ở khu vực sân bay Biên Hòa. Học viên lên trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất, tới khu vực sân bay Biên Hòa để nhảy dù. Thời gian nhảy từ máy bay rơi xuống đất khoảng 3-5 phút, tùy trọng lượng mỗi người và sức gió mạnh hay nhẹ.
Chị Lê Hồng Yến, 25 tuổi, đang học master thanh nhạc là một hội viên câu lạc bộ đã nhảy 3 lần với dù Đ6. Chị Yến chia sẻ: “Nhảy dù là môn thể thao mạo hiểm nhưng an toàn, giúp mình rèn được ba đức tính mình cho là quan trọng nhất.
Trước hết là tính quyết đoán. Thời gian nhảy chỉ là tích tắc, mình phải quyết định ngay. Tiếp theo là tính kiên trì học hỏi từng chút một để có kết quả tốt nhất, mà một trong những cái đó là điều khiển dù rơi đúng tâm nhảy. Cuối cùng nhưng quan trọng hơn cả là lòng dũng cảm. Không phải ai cũng dám nhảy”.
Học viên nhảy dù chuẩn bị tiếp đất
Có người lên máy bay rồi lại phải cho xuống vì… sợ, dù giảng viên đã phải làm tư tưởng rất kỹ để học viên yên tâm về thiết bị, đã nhảy ra khỏi máy bay là dù chắc chắn bung ra, nếu học viên… quên đã có máy mở dù giúp sức và học viên sẽ tiếp đất an toàn…
Nhưng vẫn có người không thắng được nỗi sợ. Phải tận mắt chứng kiến bạn đồng môn nhảy dù an toàn, hồ hởi kể cảm giác “phiêu” như thế nào khi rơi vào không trung, mới mạnh dạn leo lên trực thăng, nhảy xuống.
Nhưng đã nhảy một lần, ít người bỏ ngang, đa số quay lại chơi tiếp và trở thành hội viên ruột của câu lạc bộ… Đại úy Đỗ Duy Quý, huấn luyện viên nhảy dù, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ hàng không miền Nam chia sẻ, khoảng hai phần ba học viên tiếp tục luyện lại động tác đã học, thực hành nhảy nâng cao, chuyển loại dù khác…
Mong ước của nhiều hội viên là đạt trình độ nhảy dù hiện đại nhất tại Việt Nam, nhưng cũng khó nhất, đòi hỏi phải tích lũy giờ nhảy cao, là dù PO16 vốn chưa hội viên nào được nhảy, chỉ dành cho huấn luyện viên và giáo viên.
Khóa nào cũng có từ 10 nữ học viên trở lên đăng ký tham dự, sau đó một số người đam mê, nhảy liên tục, tới 50 lần, đạt chuẩn nhảy rơi tự do, vốn ngay cả nam giới cũng chỉ có khoảng bảy tám người. Chị Lê Phương Anh, nhảy rơi 5 giây, là người nữ đầu tiên nhảy rơi tự do ở Việt Nam.
Hội viên nam có anh Đặng An Thanh đã đạt trình độ nhảy dù UT15, thuộc hàng gạo cội của làng nhảy dù cả nước.
Nhảy dù trước đây chỉ dành cho lực lượng quân đội thuộc quân chủng Phòng không Không quân và một số đơn vị đặc nhiệm. Gần đây, nhờ chủ trương giáo dục hướng nghiệp quốc phòng, việc huấn luyện nhảy dù được mở rộng ra ngoài phạm vi quân đội. Ở TPHCM, mỗi năm có hàng trăm học viên tham gia học nhảy dù để thỏa mãn giấc mơ bay giữa trời xanh. |